Chảy máu tai có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí

Chảy máu tai là hiện tượng xuất huyết thành dòng, chảy ra từ khu vực ống tai hoặc vành tai. Nguyên nhân có thể do tổn thương tại chỗ hoặc bệnh lý phát sinh ở vùng lân cận, điển hình là não bộ. Vậy chảy máu tai có nguy hiểm không hay hoàn toàn vô hại?

Nguyên nhân gây chảy máu tai
Chảy máu tai có thể xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:

Bị chấn thương do va chạm cơ học
Nếu vùng ống tai bị tổn thương do dị vật (tăm bông, dụng cụ lấy ráy tai) thì hiện tượng chảy máu sẽ rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, thủng màng nhĩ do va chạm hoặc áp lực lớn cũng có thể gây ra tình trạng trên. Ngoài ra, nếu chấn thương sọ não dẫn đến tụ huyết, vỡ xương đá,... thì chảy máu tai cũng là điều khó tránh khỏi.

Viêm nhiễm
Nếu người bệnh bị viêm tai giữa đi kèm thủng màng nhĩ thì dịch lẫn máu có thể chảy ra ngoài qua đường ống tai. Thêm nữa, các tổn thương do vi khuẩn xuất hiện ở khu vực biểu bì gây mẩn đỏ, hình thành bọng nước thì khi bị cọ xát hay nứt vỡ, hiện tượng chảy máu sẽ là hệ quả tất yếu.

Polyp
Khi bị viêm mãn tính thì trên bề mặt tai có thể xuất hiện các polyp. Tổ chức này tương đối mẫn cảm trước các tác động từ bên ngoài. Vậy nên chúng rất dễ bị xuất huyết và kéo theo tình trạng chảy máu.

Ung thư
Đây là trường hợp hiếm gặp nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Ung thư da ở tai ngoài hoặc ống tai sẽ hình thành những vết loét khó lành, dễ gây chảy máu. Ban đầu, chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng những vết sưng cộm màu trắng hoặc hình thành mảng vảy lớn trước khi viêm tấy và có hiện tượng xung huyết.

Chảy máu tai có nguy hiểm không?
Chảy máu tai có nguy hiểm không là tùy vào nguyên nhân làm phát sinh tình trạng này. Cụ thể như sau:

  • Nếu chảy máu đi kèm các triệu chứng như tiết dịch, sưng viêm, xuất hiện mùi hôi thì chứng tỏ đây là dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Nếu không can thiệp sớm và đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ, viêm não, nhiễm trùng huyết, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nếu chảy máu do va chạm cơ học đơn thuần (dị vật rơi vào tai, lấy ráy tai quá mạnh, quá sâu,...) thì không có gì đáng ngại. Khi được cầm máu và vệ sinh sạch sẽ, tổn thương sẽ nhanh chóng phục hồi và hiện tượng trên cũng tự động biến mất.
  • Nếu tai bị rỉ máu do thủng màng nhĩ thì vấn đề sẽ phức tạp hơn vì đây là bộ phận vừa đóng vai trò truyền âm, vừa ngăn cách bụi bẩn, nước và vi khuẩn với các thành phần của tai giữa và tai trong. Khi không được can thiệp, thủng màng nhĩ có thể dẫn đến viêm xương chũm, đặc biệt là nhiễm trùng lên các tổ chức sọ não bên trên.
  • Chảy máu tai do chấn thương sọ não là một dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức, nếu không có thể dẫn tới tử vong.
  • Chảy máu tai do ung thư thì hẳn không cần phải bàn nhiều về mức độ nguy hiểm. Trong trường hợp này, người bệnh cần được thăm khám kịp thời, chẩn đoán chuyên sâu và điều trị nội trú theo phác đồ chuyên biệt của chuyên gia y tế.

Như vậy có thể thấy, ngoài trường hợp do va chạm gây chảy máu ở ống tai, vành tai thì các trường hợp chảy máu tai khác đều tiềm ẩn những rủi ro rình rập. Do đó chúng ta không nên chủ quan, xem thường mà cần đánh giá tốt tình huống để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Qua phân tích trên, bây giờ thì bạn đã biết chảy máu tai có nguy hiểm không rồi chứ?

Cách xử trí khi bị chảy máu tai
Chảy máu tai không phải là trường hợp hiếm gặp trong đời sống hàng ngày. Điều quan trọng là bạn cần “thuộc làu” các bước sơ cứu và nhận diện một cách cơ bản mức độ nguy hiểm của từng trường hợp. Từ đó chủ động thăm khám nếu thực sự cần thiết. Cụ thể như sau:

  • Khi bị chảy máu do vết thương hở, nếu ở phạm vi nhỏ hẹp, bạn hãy làm sạch bằng nước muối sinh lý hoặc povidine 10%, sau đó thấm khô bề mặt và để vết thương phục hồi một cách tự nhiên. Việc phủ gạc, bông có thể khiến vết thương bị đổ mồ hôi, bí bách, dễ sinh bội nhiễm. Trong trường hợp vết thương có kích thước lớn thì cần ghé qua các cơ sở y tế để khâu lại và chăm sóc phục hồi theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu chảy máu tai do dị vật bị mắc kẹt thì bạn cũng cần đến các cơ sở chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để bác sĩ lấy dị vật ra khỏi khu vực này. Chú ý không tự ý lấy dị vật vì nếu thiếu chuyên môn và kinh nghiệm, bạn sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến vết thương trên da ống tai trở nên trầm trọng hơn và có thể gây thủng màng nhĩ.
  • Tất cả các trường hợp chảy máu tai nhưng không liên quan đến vết thương hở tại chỗ hoặc dị vật thì đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi vậy, việc thăm khám, chẩn đoán chuyên sâu là thực sự cần thiết, nhất là khi chúng xuất hiện ngay sau va đập mạnh đi kèm hiện tượng co giật, nôn ói, mất ý thức, hôn mê.

Hiện nay, việc điều trị chảy máu tai thường diễn ra theo các hướng sau:

  • Cầm máu bằng biệt dược với liều lượng tương thích cho từng trường hợp.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh nếu sau khi thăm khám, chuyên gia y tế nhận thấy sự hiện diện của vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Giảm đau cho bệnh nhân bằng thuốc chứa paracetamol hoặc ibuprofen để giảm thiểu cảm giác khó chịu, đau đớn ở khu vực tổn thương.
  • Chườm ấm bằng khăn để giảm đau, tiêu sưng và ổn định tinh thần cho người bệnh.
  • Can thiệp bằng phẫu thuật đối với các trường hợp chấn thương vùng đầu, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa nặng, nứt vỡ xương.
  • Phẫu thuật kết hợp hóa xạ trị đối với trường hợp ung thư da vùng tai.
0